Triết học thời kỳ cổ đại Triết_học_phương_Tây

Bài chi tiết: Triết học cổ đại
Ionia, nơi phát sinh của triết học Hy Lạp cổ đại, ở phía Tây Tiểu Á

Triết học ra đời tại Hy Lạp vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên. Những nhà triết học đầu tiên không sống tại vùng lục địa của đất nước này mà sinh sống tại những đảo hay những vùng đất bên rìa, trên bờ phía Nam của nước Ý và ở bờ phía Tây của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.[3] Không chỉ là những nhà triết học, họ cũng đồng thời là những nhà khoa học và một số người còn là những lãnh tụ tôn giáo, vì ranh giới giữa ba lĩnh vực này chỉ trở nên rõ ràng sau nhiều thế kỷ nữa. Cội nguồn của nhiều, nếu không phải là tất cả, ngành học hàn lâm sau này có thể được truy nguyên về vùng đất Tiểu Á và Hy Lạp-Ý này.[3] Tên tuổi của những triết gia thời kì sơ khai này vẫn được nhắc đến nhiều ngay cả ở thời điểm hiện tại, rất nhiều nhà tư tưởng khi nhìn lại đều coi những nhà triết học phương Tây đầu tiên này là bậc thầy hay "tổ phụ" của họ.[3]

Thời kỳ Tiền-Socrates

Những nhà triết học Ionia

Pythagoras được tôn vinh trong những tác phẩm kinh điển là một trong những người nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp cổ đại.[3] Ngày nay, tên tuổi của ông gắn liền với những công trình toán học, đặc biệt là định lý mang tên ông nói về mối quan hệ giữa chiều dài cạnh huyền và hai cạnh góc vuông trong một tam giác vuông. Pythagoras và những môn đệ của mình cũng đồng thời tìm ra mối liên hệ giữa cao độ của những nốt nhạc trong âm nhạc với chiều dài của sợi dây tạo ra chúng.[4] Dù danh tiếng của ông gắn với toán học, ông cũng có những đóng góp không nhỏ cho triết học.[5] Phái của Pythagoras tin rằng, tất cả sự vật đều được cấu tạo từ những con số, trong đó số "1" biểu hiện cho cội nguồn của vạn sự.[6] [7]Bên cạnh đó, Pythagoras cũng tin rằng linh hồn của con người sau khi chết đi sẽ được chuyển đến một loại động vật khác nào đó; chính vì vậy mà ông ăn chay và cũng khuyên những môn đệ của mình thực hiện như vậy.[4]

Một nhà hình học lỗi lạc khác là Thales. Giống như Pythagoras, định lý mang tên ông được nhắc đến và ứng dụng rất nhiều trong bộ môn hình học. Nhờ những kiến thức của mình, Thales có thể đo được chiều cao của kim tự tháp nhờ bóng đổ xuống của chúng.[8] Ngoài ra, ông cũng có những phát hiện đáng kể trong lĩnh vực thiên văn học như chỉ ra được chòm sao Tiểu Hùng và nêu những tác dụng của chòm sao này trong việc định hướng.[8] Về mặt triết học, Thales có lẽ là người đầu tiên đặt câu hỏi về cấu trúc và bản chất của toàn thể vũ trụ (cosmos).[8] Và câu trả lời của ông là nước,[9] theo Thales thì tất cả mọi vật đều được cấu tạo từ nước, còn chính mặt đất này cũng nổi trên một khối nước (sau này, Aristotle đặt câu hỏi thêm: thế khối nước đó lại đặt trên thứ gì?)[9] [8]Thales không tin rằng linh hồn có thể chuyển giao như Pythagoras, nhưng ông tin rằng linh hồn là bất diệt.[8]

Người cuối cùng và có lẽ nổi tiếng nhất trong số những triết gia đầu tiên trên đảo Ionia là Heraclitus.[10] Trái ngược hoàn toàn với Thales, Heraclitus tin rằng cả thế giới được cấu tạo từ lửa và ông đặt ra vòng chuyển biến giữa bốn nguyên tố cổ điển (khí, nước, đất, lửa) với lửa làm trung tâm.[11] Nhưng ý tưởng rằng thế giới được "làm" từ lửa không gây ấn tượng bằng quan điểm của ông cho rằng: mọi thứ đều thay đổi và biến động và quá trình này không bao giờ dừng lại.[11] Điều này được thể hiện qua một câu nói nổi tiếng của ông:

Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông
— Heraclitus

Phái Nguyên tử luận

Một trong số những tư tưởng quan trọng có nguồn gốc từ thời cổ đại đó là: mọi vật đều được cấu tạo từ các nguyên tử, và những người theo phái này được gọi là những nhà Nguyên tử luận. Democritus là đại biểu nổi tiếng nhất của trường phái này và ông là học trò của Leucippus, người mà ta không có nhiều thông tin.[12] Không còn tác phẩm nguyên văn nào của Leucippus còn tồn tại, nên ta chỉ có thể dựa vào những học thuyết của học trò ông.[12]

Democritus cho rằng, mọi vật không thể phân chia vô giới hạn.[12] Theo ông, nếu ta lấy một mẩu vật chất và phân nhỏ liên tục nó, sẽ đến một điểm mà ta không thể chia nhỏ tiếp được nữa, ông gọi các phần tử thu được là "atom", nghĩa là "không thể chia nhỏ" hay "nguyên tử".[13] Những lập luận của Democritus là dựa trên tư duy triết học thuần túy chứ không qua thực nghiệm.[12] Democritus giải thích toàn bộ thế giới theo ý tưởng "atom" ở trên, theo đó: "tất cả mọi vật đều được cấu tạo từ nguyên tử và khoảng không giữa chúng". Thậm chí, mùi vị của thức ăn cũng được giải thích bằng khái niệm nguyên tử, chẳng hạn: vị ngọt có nguồn gốc từ những nguyên tử to và tròn hơn, còn vị mặn là do các nguyên tử lớn, xù xì và sắc cạnh.[14] Phải đến tận năm 1917, con người mới phát hiện ra rằng nguyên tử có thể được tiếp tục chia nhỏ hơn nữa, Ernest Rutherford là người được ghi công cho khám phá lớn này.[15]

Thời kỳ Cổ điển

Socrates

Bài chi tiết: Socrates
Cuộc đời không tự vấn là cuộc đời không đáng sống
— Socrates
"Cái chết của Socrates", tác phẩm của Jacques-Louis David. Socrates đã được ban một ly sâm độc để tự tử. Bức tranh mô tả khoảnh khắc Socrates nhận được ly thuốc độc và ẩn chứa nhiều biểu tượng cũng như hình ảnh ẩn dụ.

Socrates là một trong những nhà triết học lớn nhất và nổi tiếng nhất của thời cổ đại, điều này được thể hiện khi tất cả các triết gia trước ông đều được cho là thuộc vào "thời kỳ Tiền-Socrates".[16] Socrates không viết bất cứ một bản văn nào, ông cho rằng viết lách làm trí nhớ tệ đi và cảm thấy khó chịu nếu phải làm vậy.[17] Do vậy, chúng ta phải dựa vào tác phẩm của các học trò của ông, như Plato và Aristotle, cũng như của các tác giả đương thời khi nghiên cứu về ông.[16]

Socrates được cho là người đầu tiên thiết lập nên thứ mà ngày nay chúng ta gọi là "tư duy phản biện", phương pháp đặt ra những câu hỏi bản chất và yêu cầu suy nghĩ do vậy cũng được mang tên ông: phương pháp Socrates. Nhiều tác phẩm có mô tả cuộc tranh biện hay đối thoại giữa Socrates và những chính trị gia, nhà thơ và các chuyên gia, những người được cho là sở hữu một lượng trí tuệ đáng kể; song rút cục thì không ai có thể bảo vệ danh tiếng của mình trước những câu hỏi phản biện và sắc bén của Socrates, người tự nhận: "Điều duy nhất tôi biết là tôi không biết gì cả."[16] Socrates cũng quan tâm đến đạo đức hành xử trong cuộc sống. Theo ông, chìa khóa của một cuộc sống hạnh phúc không nằm ở tiền bạc mà ở sự suy ngẫm, tìm tòi và tự khám phá chính bản thân mình: "Cuộc đời mà không tự vấn là cuộc đời không đáng sống."[17]

Socrates bị kết án tử hình vào năm 399 với tội danh đầu độc tâm trí những người trẻ và báng bổ thánh thần.[18] Socrates nói rằng, phản bác bản án đó là điều không khó, nhưng chiến thuật được sử dụng sẽ hạ thấp phẩm giá của chính ông.[19] Ông nói: "Điều khó khăn, những người bạn của tôi, không phải là tránh xa cái chết mà là tránh xa sự không ngay thẳng, thứ tìm đến với ta còn nhanh hơn cái chết."[19]

Plato

Bài chi tiết: Platon
Với Plato, thế giới hiện thực mà ta trải nghiệm chỉ là cái bóng của những "Ý niệm".

Plato là một trong số những học trò của Socrates.[20] Vì Socrates không để lại một áng văn nào, Plato đã viết sách để giữ gìn những điều mà ông học được từ thầy của mình. dù ngày nay chúng ta khó lòng tách bạch đâu là tư tưởng của Socrates và đâu là của chính Plato.[20] Plato nổi tiếng nhất với quan điểm về một thế giới Ý niệm (en. Idea) hay thế giới Mô thức (en. Form) tách biệt hoàn toàn với thế giới vật chất mà chúng ta đang sống.[21] Ông nói, mọi điều chúng ta đang trải nghiệm chẳng qua chỉ là những bản sao không hoàn hảo của những Mô thức hay những Ý niệm[20]; chẳng hạn, nước trong ao hồ, nước ở biển và nước ở trong chai đều là những "hình ảnh" của một Ý niệm "Nước" duy nhất.[22] Với Plato, thế giới của Ý niệm này mới là thế giới tồn tại thực, còn hiện thực mà ta trải nghiệm chỉ là chiếc bóng hắt lên của nó mà thôi.[23]

Không chỉ đưa ra những ý tưởng về Siêu hình học, Plato cũng viết về và đặt nên những nền tảng về công lý và đạo đức, ở cả cấp độ cá nhân và thành bang.[24] Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình: "Cộng hòa", Plato lập luận rằng: chỉ những triết gia hoặc những người tin tưởng vào công việc của một triết gia mới nên đảm nhiệm vai trò của một người cai trị vì họ có thể hiểu chính xác bản chất của thế giới và chân lý của những giá trị đạo đức.[25] Qua thời gian, "Cộng hòa" trở thành một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử triết học và triết học chính trị.[26][27]

Aristotle

Aristotle theo học Plato từ năm 17 tuổi.[28] Với đức tính cần cù của mình, Aristotle hẳn đã học được rất nhiều điều từ người thầy của mình, tuy nhiên, ông cũng đưa ra những ý tưởng rất khác biệt và đối nghịch hoàn toàn so với Plato.[28] Aristotle viết rất nhiều và cho ra đời nhiều tác phẩm đồ sộ trong cuộc đời của mình, đáng buồn thay, một phần rất lớn của chúng đã bị thất lạc hoặc biến mất vĩnh viễn.[29] May mắn là, nhiều tư tưởng của ông đã được những môn đệ của mình gìn giữ và truyền lại đến tận ngày nay.[30]

Một trong những đóng góp lớn nhất của Aristotle là đã lập nên nền tảng cho bộ môn logic học.[29] Aristotle được cho là người đã nghiên cứu và phát triển thứ mà ngày nay ta gọi là phép "tam đoạn luận." Tam đoạn luận của Aristotle là hình thức rút ra kết luận đơn giản từ hai tiền đề cho trước, một trong những tam đoạn luận nổi tiếng nhất trong lịch sử là:[30]

  1. Là con người thì ai cũng sẽ chết.
  2. Socrates là con người.
  3. Vậy, Socrates cũng sẽ chết.

Tam đoạn luận là hình thức logic đầu tiên được sáng tạo nên và chúng vẫn là hình mẫu cơ bản cho bộ môn logic học cho đến tận thế kỷ 19.[30]

Plato và Aristotle đứng giữa, trích từ bức tranh Trường Athena của Raphael (1509-1511).
Màu sắc trang phục và dáng điệu của Aristotle và Plato thể hiện sự đối lập trong quan điểm của họ. Trong khi Plato (bên trái) chỉ tay lên trời và hướng về những hình mẫu lý tưởng, Aristotle (bên phải) đưa tay về phía mặt đất, thể hiện rằng chân lý của thực tại nằm ngay trên mặt đất chứ không ở đâu khác.[31]

Danh tiếng của Aristotle cũng gắn với những ghi chép đồ sộ của ông về thế giới xung quanh (dù đã bị thất lạc rất nhiều, Aristotle vẫn để lại một di sản với khoảng một triệu từ, gấp đôi so với Plato).[29] Ông ghi lại và đưa ra giải thích về nhiều hiện tượng trong thế giới tự nhiên, trải dài trên rất nhiều lĩnh vực như vật lý, thiên văn học, hóa học, địa chất học, vũ trụ học và đặc biệt là sinh học.[29][32] Ông đã thu thập dữ liệu và phân loại sinh vật vào một hệ thống được gọi là Bậc thang Sự sống hay Chuỗi xích Vĩ đại của Sự sống, trong đó, mỗi sinh vật chiếm một mắt xích hoặc một bậc thang đi lên, với vị trí cao nhất là con người.[30] Ngoài ra, Aristotle cũng đưa ra những giải thích về chuyển hóa và ông còn mở một lỗ trên quả trứng gà để nghiên cứu về quá trình phát triển của phôi.[33]

Vì Aristotle quan sát và gắn bó chặt chẽ với thế giới tự nhiên nên không khó để thấy tại sao ông lại đưa ra những ý tưởng trái ngược với Plato về nhận thức.[28] Aristotle cho rằng, bản chất hay tính chất riêng biệt của các sự vật có thể được rút ra từ việc quan sát và nghiên cứu chúng.[28] Chẳng hạn, chúng ta có thể quan sát và để ý đến những đặc điểm giống và khác nhau của "nước" trong những bối cảnh khác nhau và ta có thể rút ra khái niệm "nước" từ những kinh nghiệm đó.[28] Và do vậy, theo ông, bản chất phổ quát của sự vật có thể được tri nhận thông qua kinh nghiệm từ các giác quan chứ không cần đến một thế giới Ý niệm tách biệt khỏi hiện thực.[28]

Những trường phái triết học thời kỳ cổ đại khác

Sau khi Alexander Đại đế qua đời vào năm 323 trước Công nguyên, đế chế Hy Lạp rộng lớn của ông tan thành nhiều thành bang và tiểu quốc nhỏ tranh đấu với nhau. Vương quốc tồn tại lâu dài nhất trong số này là vương quốc của Ptolemy và gia đình ông ở Ai Cập và Libya.[34] Vương quốc này nằm trên mặt đất cho đến tận khi Antony và Cleopatra bị hoàng đế Augustus đánh bại vào năm 31 Công nguyên và trở thành một phần của đế quốc La Mã vĩ đại.[34] Trong những thế kỉ nằm giữa hai mốc thời gian này (323 trước CN và 31 CN), nền văn minh Hy Lạp hưng thịnh trên những miền đất xung quanh vùng Đông Địa Trung Hải; và giai đoạn này được các sử gia gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa.[34]

Những triết gia nổi tiếng nhất của Athens sau khi Alexander Đại đế qua đời không phải là thành viên của Academy (trường học do Plato sáng lập) hay Lyceum (do Aristotle sáng lập) mà là những đối thủ cạnh tranh cũng đang lập nên những trường học của riêng mình.[35] Đó là Epicurus, người thành lập nên ngôi trường với tên gọi là "Hoa viên" (en. The Garden) và Zeno, giảng dạy tại hàng hiên Stoa (chính vì vậy mà chủ nghĩa khắc kỷ trong tiếng Anh là "Stocism").[35]

Chủ nghĩa khoái lạc Epicurus

Theo Epicurus, nỗi sợ cái chết là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn con người đến với hạnh phúc.

Epicurus sinh sống vào khoảng cuối thế kỉ 3 và đầu thế kỉ 2 trước Công nguyên.[36] Tiêu điểm trong triết học của ông là trạng thái ataraxia hay "sự yên bình của tinh thần", và theo ông, một trong những trở ngại lớn nhất ngăn không cho con người đến với trạng thái đó chính là nỗi sợ cái chết.[37] Theo Epicurus, chính vì sợ cái chết mà con người theo đuổi sự giàu có và quyền lực với hy vọng rằng có thể trì hoãn được cái kết đến với mình; hoặc quăng bản thân vào những hoạt động điên cuồng nhằm quên đi sự thực rằng ai rồi cũng phải giã từ cuộc đời này.[37] Epicurus gạt đi những câu chuyện của tôn giáo về sự trừng phạt hay những giày vò sau khi chết và dùng những lập luận của mình chỉ ra rằng, cái chết không thể gây nên những đau đớn về thể xác hoặc cảm xúc và do vậy, nó thực sự không hề đáng sợ.[37][38]

Theo Epicurus, mục đích của cuộc sống chính là hạnh phúc.[36] Chủ nghĩa của Epicurus thường bị hiểu nhầm với sự thỏa mãn những nhu cầu xác thịt đơn thuần, nhưng trên thực tế thì với ông, những khoái lạc lớn nhất chỉ có thể đạt được thông qua kiến thức, một cuộc sống điều độ, tình bằng hữu và sự giải thoát khỏi những mối sợ hãi, và tất nhiên, bao gồm cả cái chết.[36][38] Epicurus mất năm 270 trước Công nguyên sau 72 năm sống trên đời, và đúng với niềm tin của bản thân, ông mô tả ngày cuối cùng của đời mình là một ngày hạnh phúc thật sự.[39]

Chủ nghĩa khắc kỉ, khởi nguồn từ Zeno

Bài chi tiết: Chủ nghĩa khắc kỷZeno
Con người không bị phiền muộn bởi sự vật, mà bởi quan điểm của chính mình về sự vật
— Epictetus
Hoàng đế Marcus Aurelius, một trong những người thực hành chủ nghĩa khắc kỷ

Zeno là học trò của Diogenes, một nhà triết học nổi tiếng với trường phái Khuyển nho (tiếng Anh: Cynism, "giống như chó") - trường phái tin rằng con người cần phải từ bỏ mọi hình thức phong tục và lề lối xã hội để có thể sống một cách tự nhiên nhất và từ đó có thể đạt tới hạnh phúc chân thực.[40] Có một lưu ý nhỏ là Zeno thành lập nên trường phái khắc kỉ là Zeno xứ Citium, khác với Zeno xứ Elea được biết đến trong toán-logic học qua những nghịch lý oái ăm nổi tiếng của mình.

Như đã nhắc đến, Zeno được coi là người đã sáng lập nên chủ nghĩa khắc kỉ.[41] Ông lập luận rằng, con người hoàn toàn bất lực và không thể thay đổi được hoàn cảnh khách quan, thứ được chi phối bởi những quy luật nằm ngoài tầm tay của những sinh vật trần thế; nhưng ta vẫn có thể đạt được hạnh phúc thông qua chấp nhận và sống hòa hợp với nó.[42] Sự tự nguyện chấp thuận những quy luật bất khả kháng này tạo nên đức hạnh và đức hạnh là điều kiện cần và đủ của một cuộc sống hạnh phúc.[41] Nghèo túng, tù ngục và đau khổ không thể lấy đi đức hạnh và do vậy, chúng không thể lấy đi hạnh phúc trong mỗi con người.[43] Một trong những câu chuyện thể hiện lý tưởng của chủ nghĩa khắc kỉ nổi tiếng nhất là mẩu chuyện về người lính Scaevola. Scaevola bị quân địch phát giác khi đang thi hành nhiệm vụ ám sát hoàng đế Porsena, khi kẻ địch đe dọa sẽ sử dụng lửa để tra tấn, người lính trẻ thản nhiên bước tới và đặt tay vào đống lửa mà không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào của sự đau đớn.[44] Quân địch đã đầu hàng trước sự dũng cảm của Scaevola và sau đó trả tự do cho anh.[44]

Chủ nghĩa khắc kỷ của Zeno tồn tại lâu dài và có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với chủ nghĩa khoái lạc của Epicurus.[42] Một trong những người nổi tiếng nhất áp dụng những lý tưởng của chủ nghĩa này là vị minh quân La Mã trứ danh, Marcus Aurelius. Nhiều lý tưởng của chủ nghĩa khắc kỷ vẫn được suy ngẫm và thực hành cho đến tận ngày nay, đặc biệt là khi nói đến thái độ con người nếu phải đối mặt với nghịch cảnh.[45]